Chúng là gì? Tại sao cần phải tái chế? Luật pháp và quy định? (Phần 1)
Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, chúng ta đang chứng kiến một cuộc cách mạng công nghệ đầy ấn tượng. Từ điện thoại thông minh cho đến máy tính bảng, từ thiết bị gia dụng thông minh đến các công cụ làm việc tiên tiến – Tất cả đều đánh dấu sự tiến bộ của con người trong việc tạo ra những sản phẩm vượt bậc. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra với những thiết bị này khi chúng đã đạt đến cuối vòng đời của chúng? Câu trả lời nằm ẩn sau một khía cạnh ít được chú ý, đó chính là: Chất thải điện tử.
Hãy cùng Công ty TNHH Luyện Kim Thăng Long chúng tôi khám phá thế giới phức tạp của chất thải điện tử – Một cuộc hội tụ giữa sự tiến bộ và trách nhiệm đối với môi trường, nghiên cứu các mặt lợi và hại của rác thải điện tử.
I. Giới thiệu về chất thải điện tử:
Chất thải điện tử, đôi khi còn gọi là “điện tử thải”, là loại chất thải đặc biệt được tạo ra từ những sản phẩm điện tử không còn sử dụng được. Điều này bao gồm mọi thứ từ điện thoại, điện thoại di động cũ, máy tính bị hỏng, cho đến các thiết bị gia dụng như tủ lạnh, máy giặt, và nhiều sản phẩm khác. Và khi những chất thải từ các thiết bị bỏ đi đó bị phát tán ra bên ngoài sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, nhất là những người lao động làm việc việc trong lĩnh vực xử lý rác thải phi chính thức sẽ bị sự ảnh hưởng trực tiếp từ những khí độc, chất thải mà rác điện tử gây ra.
Theo báo cáo “Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020” của Liên Hợp Quốc công bố vào tháng 7/2020 cho thấy, vào năm 2019 có tổng cộng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử, ước tính tăng khoảng 25% so với năm 2014 là khoảng 42 triệu tấn. Các quốc gia có lượng rác thải điện tử cao nhất là Trung Quốc (10,1 triệu tấn), Mỹ (6,9 triệu tấn) và Ấn Độ (3,2 triệu tấn), cả ba đã chiếm đến 38% so với toàn cầu. Theo báo cáo trên, trung bình lượng rác thải điện tử của một người trên toàn thế giới là 7,3kg/người (bao gồm cả trẻ em). Châu Âu đứng đầu với 16,2kg/người, kế tiếp là Châu Đại Dương với 16,1kg/người và Châu Mỹ 13,3kg/người. Châu Á và Châu Phu thấp hơn rất nhiều, lần lượt là 5,6kg/người và 2,5kg/người.
Nhìn những số liệu trên, chúng ta biết được rằng vị thế của rác thải điện tử đang dần tăng lên và dự báo rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ thải ra rác thải điện tử khoảng 74 triệu tấn hằng năm kể từ 2030. Điều này sẽ khiến chất thải điện tử trở thành dòng rác thải phát triển nhanh nhất thế giới khi nhu cầu của con người về điện tử ngày càng nhiều nhưng vòng đời của chúng thì lại ngắn. Vì vậy, việc quản lý rác thải điện tử cần phải cần phải trở nên ưu tiên hàng đầu. Để đối phó với tình trạng gia tăng nhanh chóng của chất thải này, cần thực hiện các biện pháp như thúc đẩy tái sử dụng và tái chế các sản phẩm điện tử, khuyến khích người tiêu dùng mua sắm có trách nhiệm và sáng suốt, và thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp tái chế điện tử. Hơn nữa, cần tạo ra các chính sách và quy định nghiêm ngặt để kiểm soát việc xử lý chất thải điện tử và đảm bảo an toàn cho những người làm việc trong ngành xử lý rác thải.
Ngoài ra, việc tạo ra những sản phẩm điện tử có tuổi thọ dài hơn và dễ dàng sửa chữa cũng cần được khuyến khích, giúp giảm thiểu lượng rác thải điện tử. Hợp tác quốc tế và tạo ra các chương trình giáo dục về quản lý rác thải điện tử cũng là một phần quan trọng để giảm thiểu tác động xấu của nó đối với môi trường và sức khỏe con người.
II. Nguy cơ và tác động của chất thải điện tử
Những loại rác thải điện tử phổ biến ở ngày nay:
+ Đồ gia dụng (Bếp điện, máy sưởi…)
+ Các thiết bị truyền thông và công nghệ thông tin (Điện thoại di động/thông minh, máy tính để bàn, laptop, bảng mạch, ổ cứng, phích cắm, pin…)
+ Thiết bị giải trí (Đầu đĩa DVD, Tivi, hệ thống trò chơi điện tử…)
+ Thiết bị tiện ích điện tử (Ghế massage, máy chạy bộ, bộ điều khiển từ xa…)
+ Máy văn phòng, thiết bị y tế (Máy photocopy, máy fax, máy khử rung tim, máy lọc máu…)
Dưới vẻ ngoài tiện ích và hiện đại, chất thải điện tử ẩn chứa nhiều thách thức liên quan đến môi trường và sức khỏe con người mà chúng ta không thể bỏ qua vì trong chính bản thân chúng ẩn chứa hơn 1.000 chất độc hại chẳng hạn chì, thủy ngân, niken, chất chống cháy brom hóa, Hydrocacbon thơm đa vòng (PAH)…, đa số là ở pin, bình ắc quy, phích cắm… Ước tính mỗi năm có đến 50 tấn thủy ngân đi theo các thiết bị điện tử như màn hình tivi, bóng đèn tiết kiệm năm lượng…, hàng trăm triệu tấn CO2 từ các thiết bị như tủ lạnh, máy lạnh cũ chiếm khoảng 0,3% lượng khí thải nhà kính trên thế giới, lượng lớn chì đến từ pin và bình ắc quy. Những chất như thủy ngân có thể làm tổn thương não và suy yếu sự phát triển nhận thức của trẻ em hay CO2 tăng lên sẽ gây hiệu ứng nhà kính làm nhiệt độ toàn cầu tăng hay chì cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người.
Nếu tiếp xúc với chúng lâu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của những người lao động phi chính thức làm việc trong lĩnh vực tái chế chất thải điện tử, bao gồm cả phụ nữ mang thai, trẻ em, thanh, thiếu niên. Các tính toán gần đây nhất về tổng số công nhân tham gia công việc xử lý chất thải không chính thức trên toàn thế giới, có từ 2,9 – 12,9 triệu phụ nữ, bao gồm cả phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ tiềm ẩn nguy cơ bị phơi nhiễm với dư lượng chất độc hại, gây ra hậu quả tiêu cực suốt đời đối với sức khỏe cũng như sự phát triển của thai nhi.
Từng là một làng chài yên bình, nhưng khoảng 7 năm trở lại đây, thị trấn Agbogbloshie (Ghana) đã trở thành bãi rác điện tử lớn nhất thế giới, được nhận định là “điểm cuối” của dòng RTĐT chưa xử lý ở các quốc gia lớn như Mỹ, Anh, Đức, Pháp… Trung bình mỗi ngày có khoảng 500 container RTĐT nhập vào cảng biển Tama bằng cách gắn mác “quà tặng”, nhưng thực chất nhiều trong số đó chỉ được xử lý qua loa, thậm chí đem chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Nhiều trứng gà quanh Agbogbloshie nhiễm độc ở mức báo động, khi ăn một quả trứng tại đây, một trẻ em sẽ có thể phải tiêu thụ lượng dioxin cao gấp 220 lần so với khuyến cáo của Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu. Vì vậy, quản lý RTĐT không đúng cách sẽ là mối đe doạ ngày càng lớn, tạo gánh nặng cho ngành y tế.
III. Quy định và pháp luật về rác thải điện tử ở Việt Nam
Hiện nay, trên thế giới chưa có nước nào có luật quy định về cách xử lý rác thải điện tử một cách cụ thể nhưng các nước Liên minh Châu Âu đã có chỉ thị quy định về cách thức quản lý sản phẩm thiết bị điện, điện tử là chứng chỉ Weee đi cùng với chỉ dẫn RoHS. Weee đưa ra các chỉ dẫn về việc thu thập, tái chế và phục chế cho tất cả các loại thiết bị điện, điện tử. Tỷ lệ là tối thiểu 4kg/người/năm được thu hồi để tái chế (tính đến năm 2009).
Mặc dù vậy, cũng chỉ có 17% rác thải điện tử trên được tái chế trên toàn thế giới, số còn lại sẽ được chuyển tới bãi chôn lấp, đem thiêu hủy hoặc là để đó mà không thể xử lý mà chuyển sang các nước khác, gây nên mối nguy hại nghiêm trọng cho những người tái chế rác, gây ô nhiễm không khí và nguồn nước. Con số 17% được tái chế là một con số thấp và đáng buồn khi mà công nghệ ngày càng phát triển nhưng chúng ta vẫn để chưa thể làm gì để mức độ bảo vệ môi trường nằm trong ngưỡng an toàn.
Tại Việt Nam, cho đến thời điểm hiện tại, lĩnh vực quản lý chất thải điện tử vẫn chưa có khung pháp lý cụ thể, mà vẫn dựa vào các quy định tổng quát về chất thải rắn và chất thải nguy hại. Các hoạt động liên quan đến chất thải điện tử ở các thành phố vẫn chưa thực sự tham gia của các nhà sản xuất và phân phối. Việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là các biện pháp tài chính, vẫn chưa được hình thành hoàn chỉnh. Đa số các cơ sở thu gom, vận chuyển, và lưu trữ chất thải điện tử vẫn hoạt động mà không có giấy phép, thường nằm ngoài khu vực công nghiệp hoặc quy mô nhỏ.
Ngay cả tại các thành phố lớn, việc quan tâm đến hoạt động tái chế chất thải điện tử vẫn còn hạn chế. Hiện tại, các hoạt động tái chế chất thải chủ yếu tập trung vào việc tái chế các sản phẩm như thùng phuy, dầu cặn, và chưa liên quan đến chất thải điện tử. Một số cửa hàng bán sản phẩm điện tử cũ thậm chí chỉ thực hiện việc tái chế bằng cách phân loại và tách rời các bộ phận còn sử dụng được. Sau đó, những bộ phận này được tiêu thụ trong thị trường nội địa cho các đối tượng có mức sống thấp hơn hoặc được xuất khẩu đến thị trường Trung Quốc. Còn những bộ phận không thể tái sử dụng, chúng thường bị bỏ đi cùng với chất thải sinh hoạt thông thường.
Theo chia sẻ của bà Mai Thị Thu Hằng, Đại diện quản lý dự án Việt Nam tái chế, khó khăn hiện nay là người dân chưa ý thức được tác hại của rác thải điện tử và chưa biết đến mạng lưới thu gom rác thải điện tử miễn phí.
Còn theo đánh giá của GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, việc tái chế chất thải điện tử ở Việt Nam hiện mới dừng ở khâu tháo dỡ, phân loại, tách nhựa, đồng, nhôm… một cách thủ công. Rác thải điện tử tại Việt Nam vẫn chủ yếu được thu gom bởi “lực lượng” đồng nát, cơ sở ve chai/phế liệu hoặc cửa hàng sửa chữa và mua bán đồ điện tử. Vì vậy, nếu các nhà sản xuất, nhập khẩu vẫn chưa tham gia nhiệt tình, chưa có động thái tích cực và đưa ra thông báo chính thức rằng sẽ thường xuyên nhận lại pin cũ, rác điện tử từ cộng đồng thì việc giảm thiểu tác hại của rác thải điện tử nói chung và pin nói riêng tới môi trường sẽ không đem lại hiệu quả.
Những năm gần đây, Việt Nam cũng đã quan tâm đến vấn đề thu gom và xử lý rác điện tử. Từ góc độ pháp lý, từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất phải tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ đã bán ra thị trường Việt Nam, qua các điểm thu hồi, sau đó xử lý hoặc xuất khẩu ra nước ngoài để xử lý.
Sau đó năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 34/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết Khoản 13, Điều 5 và Khoản 1, Điều 9 của Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg. Theo đó, nhà sản xuất phải tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam, thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ nhưng hiệu quả chưa cao.
Hiện nay, theo quy định của Điều 54 Khoản 1 của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, các tổ chức và cá nhân có vai trò trong sản xuất hoặc nhập khẩu các sản phẩm và bao bì có khả năng tái chế phải tuân thủ các quy định bắt buộc về việc thực hiện tái chế với tỷ lệ và tiêu chuẩn quy định. Khoản 2 của Điều 154 trong Luật quy định rằng các tổ chức và cá nhân thuộc phạm vi áp dụng có lựa chọn thực hiện trách nhiệm tái chế theo một trong hai hình thức sau đây: Tổ chức tái chế các sản phẩm và bao bì; hoặc Đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ việc tái chế các sản phẩm và bao bì.
Bên cạnh đó, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng quy định về mức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam. Theo đó, đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam cho từng loại sản phẩm và bao bì được xác định dựa trên Fs (định mức chi phí tái chế hợp lý và hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm và bao bì, bao gồm các chi phí như phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm và bao bì, cùng với chi phí quản lý hành chính để hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm tái chế của các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu). Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành việc xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Fs.
Theo thống kê, cả nước hiện nay mới có khoảng 68 công ty được cấp phép xử lý rác thải điện tử với công suất từ 0,25 – 30 tấn/ngày nhưng phần lớn cũng mới dừng lại ở tập trung tháo dỡ, phá dỡ. Trong đó, mới chỉ có một số ít công ty có đủ dây chuyền công nghệ được cấp phép xử lý bảng mạch điện tử. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp xử lý chất thải nguy hại đa phần sử dụng công nghệ đơn giản để xử lý, với tỷ lệ tái chế rất thấp. Đặc biệt, các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất các thiết bị điện tử lại chưa thực sự quan tâm đến việc thu hồi sản phẩm sau sử dụng.
(Còn tiếp phần 2)
Nguồn: Thăng Long tổng hợp
CÔNG TY TNHH LUYỆN KIM THĂNG LONG
Địa chỉ nhà máy: Lô K3-K4 KCN Minh Hưng – Hàn Quốc Phường Minh Hưng, Thi xã Chơn Thành, Tỉnh Bình Phước
VPĐD: Số 200 Nguyễn Văn Linh, Phường Tân Thuận Tậy, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0932.868.088